22/04/2025
Người đăng : Nguyễn Bá TrungNgành Y là một trong những nghề vô cùng cao quý, tuy nhiên không phải ai cũng đủ tố chất và đam mê để theo đuổi. Trước khi quyết định chọn con đường này, hãy cùng tìm hiểu những ai không nên học Y để tránh những sai lầm đáng tiếc trong lựa chọn nghề nghiệp.
Mục lục
Từ lâu, ngành Y đã được xem là một trong những ngành nghề cao quý nhất gắn liền với hình ảnh chiếc áo blouse trắng đầy trách nhiệm. Tuy nhiên, đằng sau đó là một hành trình đầy gian nan, áp lực và hy sinh mà không phải ai cũng có thể vượt qua.
Khi theo học ngành Y, bạn không chỉ cần đáp ứng yêu cầu về năng lực học tập mà còn cả về sức khỏe, tinh thần thép, lòng kiên trì và đặc biệt là tâm huyết với nghề. Với chương trình đào tạo kéo dài, khối lượng kiến thức sâu và nặng, thời gian học lâu, áp lực từ việc chăm sóc sinh mạng con người,… khiến ngành Y trở thành một trong những ngành học khó theo đuổi nhất hiện nay.
Lý do nên cân nhắc kỹ trước khi theo học ngành Y
Do đó, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định theo học ngành Y. Các bạn không nên vì định kiến xã hội, kỳ vọng của gia đình hay xu hướng nghề nghiệp ổn định, lương cao mà định hướng sai nghề nghiệp cho bản thân. Bởi hậu quả của việc này khá nghiêm trọng và kéo theo nhiều hệ lụy. Các bạn có thể sẽ bỏ cuộc giữa chừng, khủng hoảng tinh thần hoặc tệ hơn là trở thành một Bác sĩ thiếu đam mê, thiếu y đức. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân bạn mà còn đến các bệnh nhân và đồng nghiệp xung quanh.
Vậy những ai không nên học Y? Hãy cùng tìm hiểu trong những phần tiếp theo của bài viết để biết bạn có thật sự phù hợp với con đường này hay không.
Ngành Y là con đường dài, gian nan và đòi hỏi sự hy sinh cả về thời gian, công sức lẫn tinh thần. Dưới đây là những nhóm người không nên học Y để các bạn có thể nắm rõ cũng như đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân trong tương lai:
Những ai không nên học Y?
Nếu bạn không có tính kiên nhẫn, chỉ chọn nghề vì điểm cao, nghe lời cha mẹ hoặc nghĩ rằng đây là ngành nghề mang tính ổn định với mức lương ngành Y cao thì ngành Y không phải là ngành học thích hợp dành cho bạn. Thời gian học ngành Y thường kéo dài từ 6 đến 10 năm với khối lượng kiến thức lớn kết hợp thực tập và làm việc vất vả.
Chính vì vậy, nếu không có đam mê thực sự, bạn sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí là muốn bỏ cuộc giữa chừng. Hơn nữa, khi xác định theo học ngành Y, bạn sẽ phải cập nhật kiến thức y học mới một cách thường xuyên suốt đời.
Để gắn bó với ngành Y lâu dài, sự cống hiến là điều bắt buộc chứ không phải lựa chọn. Do đó, nếu bạn không có tinh thần bền bỉ và đam mê với nghề thì học Y sẽ khiến bạn thêm nhiều áp lực.
Học ngành Y sẽ là một thử thách lớn với những bạn dễ bị ám ảnh bởi máu me, mùi thuốc sát trùng hay hình ảnh bệnh nhân đau đớn. Theo đó, Bác sĩ sẽ thường xuyên tiếp xúc với các ca chấn thương, phẫu thuật, cấp cứu và cả những tình huống tử vong. Chính vì thế, những người yếu tâm lý có thể bị sốc, mất bình tĩnh hoặc không xử lý được các tình huống khẩn cấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân bạn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bệnh nhân.
Ngoài ra, khi hành nghề, các nhân viên y tế luôn phải đối diện với áp lực từ người nhà bệnh nhân, dư luận và thậm chí là pháp lý. Do đó, nếu không đủ mạnh mẽ về tinh thần, bạn sẽ khó trụ vững trong môi trường này. Hãy tự hỏi bản thân liệu bạn có đủ vững vàng để đối mặt với những điều đó mỗi ngày hay không trước khi quyết định theo học ngành Y bạn nhé!
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên ngành Y đã phải chịu áp lực áp lực từ điểm số, thi cử, và thực hành thực tế. Tuy nhiên, khi ra trường, những áp lực mà bạn phải đối mặt sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Đây là ngành nghề không dành cho những người muốn một công việc trong giờ hành chính, nghỉ cuối tuần. Các nhân viên y tế luôn phải : trực đêm, cấp cứu khẩn cấp, công việc kéo dài không có giờ cố định.
Đặc biệt, các Bác sĩ thường xuyên làm việc trong tình trạng thiếu ngủ, áp lực công việc lớn, tăng ca triền miên, không có thời gian cá nhân và thậm chí bỏ lỡ nhiều dịp quan trọng của gia đình. Do đó, với những người không chịu được áp lực sẽ dễ rơi vào stress, kiệt sức hoặc mất động lực theo đuổi nghề lâu dài.
Ngành Y đòi hỏi bạn có sức bền cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, nếu bạn cần một môi trường làm việc nhẹ nhàng (bắt đầu công việc lúc 8 giờ, tan ca sau 5 giờ) thì ngành Y có thể không phù hợp với bạn.
Để theo học ngành Y, bạn cần có trí nhớ tốt, tư duy logic, phản xạ nhanh và khả năng tổng hợp, phân tích. Bởi một Bác sĩ giỏi không thể chỉ học thuộc lòng triệu chứng mà họ phải biết kết nối các dấu hiệu để đưa ra chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Bạn không được phép kê đơn sai hoặc chẩn đoán nhầm vì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.
Do đó, nếu sinh viên ngành Y chỉ học vẹt, thiếu khả năng tư duy phản biện hoặc ngại nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè, thầy cô thì bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi theo học ngành này. Hiện nay, Y học ngày càng phát triển và không ngừng thay đổi, đòi hỏi Bác sĩ phải tiếp cận và xử lý thông tin phức tạp trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, điều kiện bắt buộc để hành nghề Y hiệu quả và an toàn là cần có tư duy phân tích và phản xạ nhanh.
Để trở thành một Bác sĩ giỏi không chỉ dừng ở chuyên môn là đủ mà bạn cần chăm sóc bệnh nhân cả về tinh thần. Người bệnh không đơn thuần cần thuốc men, mà còn cần sự chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu từ Bác sĩ. Do vậy, nếu bạn không thích giao tiếp, thiếu sự kiên nhẫn hoặc thường xuyên cáu gắt sẽ rất khó để xây dựng niềm tin và sự tôn trọng từ người bệnh.
Thực tế hiện nay có rất nhiều Bác sĩ bị đánh giá không phải vì sai chuyên môn mà vì thiếu thái độ đúng mực với bệnh nhân. Bạn không thể đồng hành lâu dài và phát triển trong ngành Y nếu thiếu lòng trắc ẩn và sự tận tụy bởi tinh thần phục vụ là yếu tố cốt lõi trong ngành. Bởi đơn giản rằng một Bác sĩ giỏi không chỉ cần kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cần một trái tim nhân hậu.
Ngành Y không phải là con đường dễ đi và ngắn hạn. Đây là một hành trình dài đầy áp lực, đòi hỏi sự hy sinh, kiên trì và niềm đam mê với nghề. Với những thí sinh đang cân nhắc theo học Y, hãy dành thời gian để nhìn lại bản thân, xác định rõ tính cách, khả năng và mong muốn thực sự của mình. Bởi việc chọn đúng ngành không chỉ giúp bạn học tốt mà còn đảm bảo một tương lai ổn định với nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, nếu bạn yêu thích chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng nhưng cảm thấy không phù hợp để trở thành Bác sĩ thì cũng không nên quá lo lắng. Hiện nay có rất nhiều ngành nghề đáp ứng được đam mê của bạn cũng như mang lại giá trị cho cộng đồng để bạn có thể tham khảo và lựa chọn như: Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Phục hồi chức năng, Tâm lý học,… Điều quan trọng là bạn hãy chọn con đường khiến bạn cảm thấy xứng đáng để nỗ lực mỗi ngày.
Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết mà Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã cung cấp nhằm giải đáp cho câu hỏi “Những ai không nên học Y?”. Chọn ngành Y là một quyết định lớn, đòi hỏi sự phù hợp cả về năng lực lẫn tâm lý. Trong trường hợp bạn không thuộc nhóm người phù hợp, hãy mạnh dạn tìm một hướng đi khác để phát huy tốt nhất thế mạnh của bản thân.