Kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản cần quy trình thế nào?

Kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản cần quy trình thế nào?

24/05/2025

Người đăng : Nguyễn Bá Trung

Kỹ thuật truyền dịch là một trong những kỹ năng cơ bản mà mỗi Điều dưỡng viên cần nắm rõ. Vậy, Kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản là gì? Cần tuân thủ những nguyên tắc nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản là gì?

Kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản là một kỹ thuật y tế quan trọng giúp đưa dung dịch trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh. Các dung dịch thường là nước, điện giải, glucose, thuốc,…

Kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản là gì?

Kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản là gì?

Thông qua kỹ thuật này, người bệnh có thể duy trì, phục hồi thể trạng, cân bằng nước – điện giải, nạp thêm dinh dưỡng hoặc điều trị bệnh lý. Tuy truyền dịch là một kỹ năng cơ bản nhưng đòi hỏi Điều dưỡng thực hiện một cách chính xác, vô khuẩn và theo dõi chặt chẽ sau khi kết thúc quy trình.

Các nguyên tắc cơ bản khi Điều dưỡng thực hiện kỹ thuật truyền dịch

Khi Điều dưỡng thực hiện kỹ thuật truyền dịch cơ bản, cần tuân thủ các nguyên tắc quan trọng sau:

Tuân thủ y lệnh của bác sĩ

Kỹ thuật truyền dịch chỉ được thực hiện khi có y lệnh từ Bác sĩ. Theo đó, Điều dưỡng sẽ ghi lại đầy đủ loại dịch, thể tích, tốc độ, thời gian truyền và những thuốc phối hợp (nếu có). Điều dưỡng tuyệt đối không được tự ý thay đổi loại dịch hoặc tốc độ truyền vì có thể gây tai biến nghiêm trọng cho bệnh nhân, đặc biệt là những người có bệnh nền như suy tim, suy thận hoặc rối loạn điện giải.

Tư vấn, giải thích và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh

Rất nhiều bệnh nhân cảm thấy lo lắng khi phải thực hiện truyền dich, điển hình là người già, trẻ em hoặc bệnh nhân lần đầu điều trị. Do đó, Điều dưỡng cần giải thích quy trình cụ thể cho bệnh nhân, trấn an tinh thần họ để giúp họ hợp tác và yên tâm trong suốt quá trình điều trị. Nhờ vậy, quá trình truyền dịch sẽ diễn ra thuận lợi cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ chăm sóc cho người bệnh.

Đảm bảo nguyên tắc 5 đúng

Khi thực hiện kỹ thuật truyền dịch, Điều dưỡng viên cần tuân thủ nguyên tắc “5 đúng”, bao gồm:

  • Đúng người bệnh;
  • Đúng thuốc hoặc dịch truyền;
  • Đúng liều lượng;
  • Đúng đường dùng;
  • Đúng thời gian.

Việc tuân thủ đúng nguyên tắc sẽ giúp Điều dưỡng đảm bảo an toàn, tránh nhầm lẫn và giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân.

Đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối

Vì truyền dịch là thủ thuật xâm lấn nên Điều dưỡng cần đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối trong suốt quá trình thực hiện. Theo đó, các bạn cần rửa sạch tay, đeo găng theo đúng quy định, sát khuẩn kỹ vùng da trước khi chọc kim và tuyệt đối phải sử dụng dụng cụ vô trùng. Nếu vi phạm quy định trong vô khuẩn, người bệnh có thể bị nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm khuẩn huyết.

Theo dõi sát người bệnh trong và sau truyền dịch

Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ tình trạng toàn thân và tại chỗ truyền trong suốt quá trình truyền dịch. Trong thời gian này, nhiệm vụ Điều dưỡng quan sát dấu hiệu sinh tồn đồng thời phát hiện sớm các phản ứng bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, sau khi đã truyền dịch xong, các bạn vẫn cần tiếp tục theo dõi để đảm bảo an toàn và tránh những hậu quả về tai biến muộn.

Điều chỉnh tốc độ truyền phù hợp với tình trạng người bệnh

Dựa vào tình trạng thực tế của người bệnh và chỉ định của Bác sĩ, Điều dưỡng sẽ điều chỉnh tốc độ truyền dịch cho phù hợp. Đặc biệt lưu ý với những đối tượng là người già, trẻ nhỏ, bệnh nhân suy tim hoặc suy thận không được truyền quá nhanh. Nếu Điều dưỡng thực hiện truyền dịch quá nhanh sẽ có thể gây phù phổi cấp hoặc rối loạn nước – điện giải cho những bệnh nhân này. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian thực hiện kỹ thuật truyền dịch, Điều dưỡng viên cần tính toán và theo dõi tốc độ truyền một cách sát sao nhất có thể.

Ghi chép đầy đủ, chính xác sau khi truyền dịch

Kết thúc mỗi ca truyền dịch, Điều dưỡng có nhiệm vụ ghi chép đầy đủ vào hồ sơ bệnh án hoặc phiếu theo dõi truyền dịch. Các thông tin cụ thể mà bạn cần cung cấp có thể kể đến như: loại dịch, thể tích, thời gian bắt đầu và kết thúc, tốc độ truyền, tình trạng người bệnh trong và sau khi truyền,… Sau đó, Điều dưỡng sẽ ký tên vào chỗ người thực hiện. Việc ghi chép là một bước vô cùng quan trọng trong quy trình bởi không những giúp theo dõi điều trị hiệu quả mà còn đảm bảo tính pháp lý và trách nhiệm chuyên môn của Điều dưỡng viên.

Quy trình kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản

Dưới đây là quy trình kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản để các bạn có thể nắm rõ:

Quy trình kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản

Quy trình kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản

Bước 1: Chuẩn bị cho người bệnh và kiểm tra y lệnh

Để tạo sự hợp tác và an tâm, trước khi tiến hành truyền dịch, Điều dưỡng cần giải thích cho người bệnh hoặc người nhà hiểu mục đích và quá trình truyền dịch. Tiếp theo, các bạn kiểm tra y lệnh của Bác sĩ từ loại dịch truyền đến tốc độ, số lượng và thời gian truyền. Sau đó, kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của người bệnh để phát hiện sớm nguy cơ tai biến cũng như đảm bảo bệnh nhân đủ điều kiện để truyền dịch.

Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ và dung dịch truyền

Trước khi thực hiện truyền dịch, Điều dưỡng phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết như chai hoặc túi dịch truyền, bộ dây truyền, kim luồn tĩnh mạch hoặc kim tiêm, gạc vô khuẩn, băng dính y tế, cồn sát khuẩn, găng tay sạch và giá treo dịch,… Bên cạnh đó, các bạn kiểm tra kỹ bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng của dung dịch. Cuối cùng, Điều dưỡng treo chai dịch lên giá, nối dây truyền vào chai và đuổi khí trong dây để tránh nguy cơ tắc mạch do bọt khí.

Bước 3: Sát trùng tĩnh mạch

Điều dưỡng lựa chọn tĩnh mạch phù hợp của bệnh nhân để truyền. Lưu ý ưu tiên các vị trí như mu bàn tay, cổ tay hoặc cẳng tay để thực hiện. Các bạn dùng cồn 70 độ để sát trùng vùng da sẽ chọc kim. Thao tác này cần thực hiện nhẹ nhàng theo vòng tròn từ trong ra ngoài và lặp lại ít nhất hai lần để đảm bảo vô khuẩn cho người bệnh.

Bước 4: Tiến hành luồn kim vào tĩnh mạch

Kết thúc quá trình sát trùng, Điều dưỡng luồn kim vào tĩnh mạch. Nếu thấy máu hồi về trong ống kim thì gắn đầu dây truyền vào kim rồi cố định kim và dây truyền bằng băng keo y tế.

Bước 5: Điều chỉnh tốc độ truyền dịch

Điều dưỡng tiến hành mở khóa dịch và điều chỉnh tốc độ truyền theo y lệnh của Bác sĩ. Các bạn lưu ý điều chỉnh tốc độ một cách thận trọng và chính xác. Đặc biệt lưu ý với người bệnh có bệnh lý tim mạch, người cao tuổi hoặc có nguy cơ phù phổi cấp.

Bước 6: Theo dõi trong suốt quá trình truyền

Điều dưỡng có nhiệm vụ theo dõi sát sao tình trạng của người bệnh trong suốt quá trình truyền dịch. Các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân cần ở mức ổn định để không phát sinh các phản ứng bất thường. Điều dưỡng theo dõi định kỳ ở vị trí truyền xem có bị sưng, đỏ, đau hay rò rỉ dịch không để xử lý kịp thời. Đặc biệt, nếu phát hiện bệnh nhân mẩn ngứa, sốt, khó thở, tụt huyết áp,… cần ngừng truyền và báo ngay cho Bác sĩ.

Bước 7: Kết thúc truyền dịch

Sau khi đã truyền dịch xong, Điều dưỡng ngắt dây truyền, rút kim và dùng gạc vô khuẩn ép vào vị trí chọc kim để cầm máu cho người bệnh. Tiếp theo, các bạn lấy băng dính sạch băng lại vết thương cho bệnh nhân. Cuối cùng, Điều dưỡng xử lý dụng cụ theo đúng quy trình và rửa tay.

Bước 8: Ghi chép và báo cáo

Kết thúc quá trình truyền dịch, Điều dưỡng viên ghi đầy đủ các thông tin vào hồ sơ bệnh án hoặc phiếu theo dõi dịch truyền và ký tên.

Các loại dịch truyền phổ biến trong điều dưỡng

Tùy theo mục đích điều trị và tình trạng bệnh lý của người bệnh mà sử dụng các loại dịch truyền khác nhau. Dưới đây là các loại dịch truyền phổ biến trong điều dưỡng để các bạn có thể tham khảo:

  • Nhóm dung dịch đẳng trương – bù nước, điện giải: Natri Clorid 0.9% (NaCl 0.9%), Ringer Lactat (Lactate Ringer – LR), Dung dịch Ringer (không có lactate),…
  • Nhóm dung dịch cung cấp năng lượng (đường): Glucose 5%, Glucose 10%, 20%, 30%,…
  • Nhóm dịch keo – tăng thể tích tuần hoàn: Dextran (Dextran 40, 70…), Gelatin (Gelofusine, Haemaccel), Albumin 5%, 20%,…
  • Dung dịch điện giải pha chế đặc biệt theo y lệnh: Điều dưỡng có thể thực hiện pha Glucose với NaCl, KCl hoặc thuốc khác như insulin, vitamin,…

Những sai lầm thường gặp khi thực hiện truyền dịch điều dưỡng cơ bản

Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi thực hiện kỹ thuật truyền dịch trong điều dưỡng cơ bản mà các bạn cần nhận biết để tránh mắc phải:

  • Truyền dịch không đúng y lệnh, sai loại dịch, thể tích hoặc tốc độ so với y lệnh của Bác sĩ. Ngoài ra, tự ý thay đổi dịch truyền mà không hỏi ý kiến Bác sĩ. Hậu quả của việc này có thể gây sốc, rối loạn điện giải hoặc quá tải tuần hoàn của bệnh nhân.
  • Không đảm bảo vô khuẩn khi thao tác, không rửa tay đúng quy trình, không đeo găng, hoặc tái sử dụng dụng cụ không vô trùng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, viêm tĩnh mạch, thậm chí là nhiễm trùng huyết cho người bệnh.
  • Bỏ qua bước đuổi hết bọt khí trong dây truyền sẽ khiến khí còn trong dây truyền lọt vào tĩnh mạch gây tắc mạch khí. Nếu lượng khí lớn hoặc truyền vào tĩnh mạch trung tâm có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bệnh nhân truyền dịch.
  • Chọn sai tĩnh mạch hoặc chọc kim nhiều lần gây đau đớn, tụ máu, sưng nề, thậm chí viêm tắc tĩnh mạch người bệnh. Các Điều dưỡng thiếu kinh nghiệm hoặc không lựa chọn mạch kỹ trước khi tiến thủ thuật thường mắc phải lỗi này.
  • Truyền quá nhanh có thể gây phù phổi cấp, đặc biệt là ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân suy tim. Hoặc nếu Điều dưỡng truyền quá chậm sẽ làm giảm hiệu quả điều trị, không đáp ứng nhu cầu cấp cứu khi cần thiết.
  • Không theo dõi người bệnh trong khi truyền nên không thể phát hiện kịp thời các tai biến. Thực tế cho thấy tai biến truyền dịch có thể xảy ra bất ngờ và diễn tiến rất nhanh. Do đó, các Điều dưỡng cần rất chú ý lỗi này vì khá nghiêm trọng.
  • Ghi chép thiếu hoặc không đầy đủ khi kết thúc quá trình truyền dịch. Điều này sẽ làm mất tính liên tục trong chăm sóc, khó truy cứu khi có sự cố và ảnh hưởng đến pháp lý của các nhân viên y tế có liên quan.
  • Không xử lý đúng khi xảy ra tai biến, lúng túng khi người bệnh có phản ứng với dịch truyền, không dừng truyền kịp thời hoặc không báo cho Bác sĩ. Việc chậm trễ và kém chuyên nghiệp này có thể khiến tình trạng người bệnh xấu đi một cách nhanh chóng, thâm chí nguy hiểm tính mạng nếu truyền thuốc.

Thông qua bài viết trên, Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã cung cấp toàn bộ thông tin chi tiết về kỹ thuật truyền dịch điều dưỡng cơ bản để các bạn có thể nắm được. Kỹ thuật này đóng vai trò then chốt trong quá trình chăm sóc và điều trị người bệnh. Do đó, Điều dưỡng viên cần thực hiện đúng quy trình và tuân thủ các nguyên tắc để nâng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh.

 

5/5 - (1 bình chọn)
0/5 (0 Reviews)
tin cùng chuyên mục
Điều dưỡng ngoại khoa có nhiệm vụ gì? Cơ hội nghề nghiệp sao? Điều dưỡng ngoại khoa là một chuyên ngành quan trọng trong hệ thống y tế với nhiệm vụ chính là chăm sóc bệnh nhân trải qua phẫu thuật. Sách điều dưỡng là gì? Có những loại sách điều dưỡng nào? Sách điều dưỡng là nguồn tài liệu quan trọng giúp trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên cũng như Điều dưỡng viên. Quy trình truyền máu điều dưỡng gồm bước nào? Cần lưu ý gì? Quy trình truyền máu điều dưỡng là một kỹ thuật điều trị quan trọng, đòi hỏi sự chính xác và tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn Điều dưỡng trưởng có vai trò, nhiệm vụ gì? Lương được bao nhiêu? Điều dưỡng trưởng là gì? Làm thế nào để trở thành Điều dưỡng trưởng? Hãy cùng đi tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây. Điều dưỡng khối A00 lấy bao nhiêu điểm? Học trường nào uy tín? Điều dưỡng khối A00 là lựa chọn hấp dẫn cho những ai đam mê công việc chăm sóc sức khỏe và có năng lực về các môn khoa học tự nhiên. Ngành Điều dưỡng trong tương lai như thế nào? Tìm hiểu chi tiết Ngành Điều dưỡng trong tương lai như thế nào bởi ngành Điều dưỡng hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cơ hội việc làm ngành Điều dưỡng trong và ngoài nước thế nào? Cơ hội việc làm ngành Điều dưỡng thế nào bởi ngành Điều dưỡng hiện nay đang mở ra vô vàn cơ hội việc làm hấp dẫn cho người học. Thực trạng ngành Điều dưỡng hiện nay điều đạt và chưa đạt được Thực trạng ngành Điều dưỡng hiện nay tại Việt Nam về những thành tựu đã đạt và chưa đạt được để các bạn có thể nắm được. Xu hướng phát triển ngành Điều dưỡng Việt Nam như thế nào? Xu hướng phát triển ngành Điều dưỡng Việt Nam diễn ra thế nào. Cùng tìm hiểu những tác động, thách thức và định hướng cụ thể.

Đang gửi thông tin đăng ký vui lòng đợi trong giây lát