Chẩn đoán Điều dưỡng là một thuật ngữ Y tế phổ biến và rất quan trọng trong quy trình Điều dưỡng. Vậy, chẩn đoán Điều dưỡng là gì? Tầm quan trọng như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết phía dưới.
Chẩn đoán Điều dưỡng là gì? Có những loại chẩn đoán Điều dưỡng nào?
Chẩn đoán Điều dưỡng là trong những hoạt động quan trọng của quy trình Điều dưỡng và được chia ra làm 4 loại theo Theo Nanda International.
Khái niệm chẩn đoán Điều dưỡng
Chẩn đoán Điều dưỡng là hoạt động Y tế được thực hiện bởi Điều dưỡng viên và đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quy trình Điều dưỡng. Theo đó, Điều dưỡng viên sẽ đưa ra vấn đề mà người bệnh đang gặp phải hay có nguy cơ gặp phải và nguyên nhân dẫn đến nó.
Chẩn đoán Điều dưỡng là gì?
Công thức để chẩn đoán Điều dưỡng = Vấn đề người bệnh gặp phải + Nguyên nhân.
Người thực hiện chẩn đoán Điều dưỡng cần có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn. Hoạt động này được dựa trên dấu hiệu có thật trên người bệnh và phải được trình bày ngắn gọn cụ thể.
Phân loại chẩn đoán Điều dưỡng
Theo Nanda International, có 4 loại chẩn đoán Điều dưỡng như sau:
- Chẩn đoán nhu cầu thực tại (Actual nursing diagnosis): Điều dưỡng đưa ra phán đoán lâm sàng về bệnh nhân với tình trạng, quá trình sống của một cá nhân như: mệt mỏi, đau cấp,…
- Chẩn đoán đúng nguy cơ (Risk nursing diagnosis): Chẩn đoán những bệnh không xuất hiện ở hiện tại nhưng có rủi ro trong tương lai như: nguy cơ té ngã, nguy cơ viêm,…
- Chẩn đoán thúc đẩy sức khỏe (Health Promotion nursing diagnosis): Đánh giá về động lực, mong muốn nâng cao sức khoẻ của cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng như sẵn sàng chăm sóc con cái, sẵn sàng tự chăm sóc bản thân,…
- Chẩn đoán hội chứng (Syndrome nursing diagnosis): Chẩn đoán xuất hiện bởi một vấn đề hoặc tình huống cụ thể nào đó như: hội chứng suy yếu người cao tuổi, hội chứng kích thích bàng quang, hội chứng đau sau chấn thương,…
Các bước thực hiện chẩn đoán Điều dưỡng
Chẩn đoán Điều dưỡng sẽ bao gồm các bước cơ bản như sau:
- Bước 1: Thu thập dữ liệu thông tin từ hồ sơ Y tế, từ bệnh nhân, qua các xét nghiệm hoặc quan sát lâm sàng.
- Bước 2: Tổng hợp và phân tích các dữ liệu đã thu thập được để xác định các vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân mắc phải.
- Bước 3: Điều dưỡng viên sử dụng ngôn ngữ chuẩn trong ngành để xác định loại chẩn đoán Điều dưỡng. Từ đó, nhận định vấn đề chính của bệnh nhân.
- Bước 4: Xác định nguyên nhân và đưa ra chẩn đoán cuối cùng: Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề sức khỏe và đưa ra chẩn đoán chính xác để lên kế hoạch chăm sóc hiệu quả nhất cho người bệnh.
Mục đích của chẩn đoán Điều dưỡng
Hoạt động chẩn đoán Điều dưỡng được thực hiện nhằm mục đích như sau:
- Đối với những sinh viên hiện còn đang học tập tại trường thì chẩn đoán Điều dưỡng chính là hình thức để rèn luyện kỹ năng cần thiết của một Điều dưỡng viên. Cụ thể như: kỹ năng giao tiếp Điều dưỡng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện,…
- Xác định các vấn đề cần ưu tiên để có hướng can thiệp đúng và kịp thời dựa trên vấn đề hiện tại hoặc những tiềm tàng của bệnh nhân.
- Cung cấp các thông tin, thuật ngữ chính xác để tạo sự thống nhất giữa các bộ phận có liên quan cũng như giữa các chuyên gia, Bác sĩ, Điều dưỡng,…
- Xây dựng các chuyển biến, kết quả mong đợi đảm bảo về chất lượng chăm sóc cũng như kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
- Xác định được phản ứng của người bệnh với vấn đề sức khỏe hiện tại và tiềm ẩn trong tương lai. Có như vậy, Điều dưỡng viên mới có thể xác định được nguyên nhân để ngăn ngừa cũng như cách giải quyết vấn đề.
- Cung cấp lượng giá để đưa ra chi phí điều trị sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất cho bệnh nhân.
Tầm quan trọng của chẩn đoán Điều dưỡng
Chẩn đoán Điều dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, được thể hiện cụ thể như sau:
Tầm quan trọng của chẩn đoán Điều dưỡng
- Bên cạnh việc tập trung vào điều trị bệnh, chẩn đoán Điều dưỡng còn đánh giá phản ứng của bệnh nhân với tình trạng bệnh. Điều này rất quan trọng vì một số vấn đề của bệnh nhân không thể giải quyết chỉ bằng can thiệp y khoa. Chẩn đoán Điều dưỡng sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân một cách đáng kể, nhờ đó giúp họ hồi phục nhanh hơn.
- Chẩn đoán Điều dưỡng giúp nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn. Từ đó, giúp Điều dưỡng viên ngăn ngừa hoặc kiểm soát những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình chăm sóc bệnh nhân để có những điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.
- Thực tế, mỗi người bệnh sẽ có những phản ứng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe riêng biệt. Việc sử dụng chẩn đoán Điều dưỡng sẽ giúp Điều dưỡng viên lên kế hoạch chăm sóc cho từng bệnh nhân cụ thể. Qua đó, người bệnh sẽ nhận được những dịch vụ chăm sóc tốt nhất.
- Chẩn đoán Điều dưỡng cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng bệnh nhân giúp tăng cường sự hợp tác giữa Điều dưỡng viên và Bác sĩ. Nhờ đó, tạo điều kiện cho các bác sĩ đưa ra các quyết định y khoa chính xác nhất.
- Nhờ có chẩn đoán Điều dưỡng mà các Điều dưỡng viên có thể theo dõi tiến trình của bệnh nhân, điều chỉnh các biện pháp chăm sóc khi cần thiết và đảm bảo mục tiêu chăm sóc được đề ra.
Ví dụ về chẩn đoán Điều dưỡng
Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về chẩn đoán Điều dưỡng ở một số bệnh phổ biến để các bạn có thể tham khảo:
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh đái tháo đường
- Tăng đường huyết (glucose máu cao).
- Khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, mệt mỏi do tăng áp lực thẩm thấu.
- Nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, bệnh thận.
- Nguy cơ hạ đường huyết do sử dụng insulin.
- Tê chân tay và có cảm giác kiến bò do viêm thần kinh ngoại biên.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh thoái hóa khớp
- Đau khớp, đặc biệt khi vận động hoặc sau khi nghỉ ngơi.
- Hạn chế vận động do đau nhức xương khớp.
- Teo cơ do ít vận động.
- Cứng khớp, nhất là vào buổi sáng.
- Chi bị biến dạng do xương mọc gai, lệch trục hoặc thoát vị màng hoạt dịch.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh hen phế quản
- Khó thở do tắc nghẽn đường thở.
- Kích thích, vật vã do thiếu khí.
- Ho nhiều về đêm và sáng sớm.
- Khò khè
- Nguy cơ tái phát do tiếp xúc với dị nguyên.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh loét dạ dày tá tràng
- Đau bụng, đặc biệt là vùng thượng vị
- Buồn nôn, nôn, hoặc chán ăn.
- Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa (máu trong phân hoặc nôn ra máu).
- Nguy cơ xuất huyết do ổ loét sâu.
- Lo lắng do sợ bệnh chuyển biến xấu.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh tăng huyết áp
- Huyết áp cao trên 140/90 mmHg.
- Mất ngủ do nhức đầu.
- Hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu não.
- Nguy cơ nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh lao phổi
- Ho thường kéo dài, có đờm, đau khi thở hoặc ho.
- Sốt nhẹ và đổ mồ hôi vào chiều hoặc ban đêm.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân, mất cảm giác thèm ăn.
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng và sức sống.
- Nguy cơ phù phổi, tràn dịch phổi do tổn thương phổi nặng.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh suy tim
- Khó thở, mệt mỏi, không đủ năng lượng ngay cả với hoạt động nhẹ.
- Phù nề ở chân, mắt cá, bụng do tích tụ dịch.
- Nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi nhiều ngay cả khi không vận động
- Nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh tai biến mạch máu não
- Đột ngột yếu hoặc mất khả năng vận động ở tay, chân hoặc mặt một bên.
- Khó khăn trong việc nói, nói ngọng hoặc không thể nói được.
- Đau đầu dữ dội.
- Thị lực mờ hoặc mất thị lực tạm thời ở một hoặc cả hai mắt.
- Hay ngất xỉu hoặc chóng mặt.
- Nguy cơ tràn dịch não, suy giảm chức năng thần kinh.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh tắc ruột
- Đau quặn từng cơn ở vùng bụng dưới hoặc quanh rốn.
- Bụng sưng to, có thể không đi tiêu hoặc không xì hơi.
- Mệt mỏi, sốt nhẹ.
- Nguy cơ thủng ruột, viêm phúc mạc.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh viêm ruột thừa
- Đau bắt đầu ở vùng rốn rồi chuyển xuống vùng hố chậu phải.
- Đau khi cử động, hắt hơi hoặc ho.
- Cảm giác buồn nôn, chán ăn.
- Sốt nhẹ, ớn lạnh.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh u xơ tử cung
- Cảm giác đau hoặc nặng nề ở vùng bụng dưới.
- Kinh nguyệt kéo dài, rong kinh.
- Tiểu tiện thường xuyên do u xơ chèn ép bàng quang.
- Cảm giác đầy bụng, khó chịu.
- Nguy cơ thiếu máu, nhiễm trùng.
Chẩn đoán Điều dưỡng bệnh xuất huyết tiêu hóa
- Có thể nôn ra máu tươi hoặc dịch màu cafe.
- Phân có thể có máu tươi hoặc phân đen.
- Có cơn đau bụng kèm theo cảm giác khó chịu.
- Mệt mỏi do mất máu.
- Khó thở, choáng váng do huyết áp giảm.
- Nguy cơ thiếu máu, biến chứng dạ dày.
Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết mà Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã cung cấp để giải đáp cho câu hỏi: chẩn đoán Điều dưỡng là gì? Chẩn đoán Điều dưỡng là kiến thức vô cùng quan trọng và cần thiết của một Điều dưỡng viên khi làm việc tại các cơ sở Y tế.